Việt Nam có thể trở thành “công xưởng” đồ gỗ của thế giới

QĐND – Kim ngạch xuất khẩu (KNXK) đồ gỗ và lâm sản của nước ta liên tục tăng từ nhiều năm nay, năm 2018 đã thiết lập “cột mốc” mới với 9,3 tỷ USD (kế hoạch là 9 tỷ USD). Đặc biệt, đồ gỗ và lâm sản xuất siêu tới 6,99 tỷ USD. Năm 2019, ngành sản xuất, chế biến đồ gỗ và lâm sản đặt mục tiêu xuất khẩu tới 10,5 tỷ USD.

Xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản tăng mạnh

Theo Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn-NN&PTNT), KNXK đồ gỗ và lâm sản năm 2018 đạt 9,308 tỷ USD, tăng 15,9% so với năm 2017, chiếm hơn 23% giá trị xuất khẩu của toàn ngành nông nghiệp. Trong đó, gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt khoảng 8,787 tỷ USD, chiếm 95% tổng giá trị xuất khẩu của ngành lâm nghiệp, còn lại là giá trị lâm sản xuất khẩu. Nhập khẩu gỗ nguyên liệu khoảng 2,3 tỷ USD. Như vậy, ngành lâm nghiệp nước ta đã xuất siêu cả năm 2018 đạt 6,99 tỷ USD. Thị trường xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản nước ta tập trung chủ yếu tại 5 thị trường chính, gồm: Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc và Hàn Quốc, chiếm khoảng 87,33% KNXK mặt hàng này.

Theo ông Phạm Văn Điển, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp: Năm 2018, cả nước đã khai thác gỗ rừng trồng đạt 27,5 triệu m3, trong đó rừng trồng tập trung là 18,5 triệu m3, số còn lại diện tích cây trồng phân tán, cây cao su tái canh chiếm khoảng 9 triệu m3. Hiện cả nước có khoảng 4.700 doanh nghiệp, cơ sở chế biến đồ gỗ và lâm sản, trong đó 1.863 doanh nghiệp trực tiếp tham gia vào xuất khẩu sản phẩm đồ gỗ (riêng khối doanh nghiệp FDI-vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài hiện chiếm khoảng 700 doanh nghiệp) giúp Việt Nam hình thành ngành công nghiệp sản xuất, chế biến gỗ lớn mạnh về quy mô và trình độ công nghệ so với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Việt Nam có thể trở thành "công xưởng" đồ gỗ của thế giới
Sản xuất, chế biến đồ gỗ của một doanh nghiệp tại tỉnh Đồng Nai. Ảnh: QUỐC BẢO

Trao đổi với phóng viên các cơ quan báo chí, Thứ trưởng Thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn nhận xét: “Hiện sản phẩm đồ gỗ của Việt Nam đã có mặt ở 120 thị trường các quốc gia và vùng lãnh thổ. Thành công của xuất khẩu đồ gỗ năm nay chính là từ sự thúc đẩy, tạo hứng khởi với hàng loạt cơ chế, chính sách và chỉ đạo rất quyết liệt của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Năm 2018, Thủ tướng đã chủ trì tới 3 hội nghị chuyên đề về phát triển ngành lâm nghiệp. Chính sự hứng khởi ấy khiến nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực lâm nghiệp. Lý do thứ hai là hầu hết doanh nghiệp đầu tư sản xuất, chế biến đồ gỗ và lâm sản của Việt Nam phục vụ xuất khẩu đều có ý chí và thực hành rất cao với việc không sử dụng các nguyên liệu gỗ bất hợp pháp. Đây chính là “tấm giấy thông hành” cho sản phẩm đồ gỗ Việt Nam tới với thị trường thế giới, đặc biệt là các thị trường như: EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia luôn đòi hỏi tính hợp pháp của nguồn gỗ nguyên liệu. Tiếp đó là mặc dù Việt Nam đã thực hiện đóng cửa việc khai thác rừng tự nhiên từ nhiều năm nay, thế nhưng nguồn gỗ nguyên liệu từ rừng trồng khai thác đạt con số 25,7 triệu m3, đáp ứng 80% nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất, chế biến. Năm 2018, Việt Nam chỉ nhập khẩu khoảng 8 triệu m3 gỗ nguyên liệu”.

Ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam chia sẻ: “Nếu có chính sách tốt hơn nữa Việt Nam sẽ là “công xưởng” sản xuất đồ gỗ của thế giới. Để đạt được mục tiêu này chúng ta phải giải quyết được vấn đề quan trọng là nguồn nguyên liệu gỗ rừng trồng phục vụ sản xuất, chế biến. Với mục tiêu KNXK vào năm 2025 đạt 20-25 tỷ USD đòi hỏi phải có 60 triệu m3 gỗ nguyên liệu, trong đó gỗ trong nước phải bảo đảm cung cấp được 50 triệu m3, nhập khẩu 10 triệu m3.

10,5 tỷ USD xuất khẩu năm 2019 là hoàn toàn khả thi

Năm 2019, ngành lâm nghiệp đặt mục tiêu tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt 5,5-6,0%; giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản đạt từ 10,5 tỷ USD trở lên. Đánh giá tính khả thi của mục tiêu đề ra, Thứ trưởng Hà Công Tuấn phân tích: “Năm 2018, KNXK tăng khoảng 1,3 tỷ USD so với năm 2017. Năm 2019, toàn ngành đặt ra mốc 10,5 tỷ USD, nghĩa là đặt mức tăng trưởng khoảng 1,2 tỷ USD so với năm 2018”.

Trước hết, về mặt thị trường, giai đoạn 2019-2020, Việt Nam có thể tranh thủ được những thuận lợi trong quan hệ thương mại giữa các thị trường lớn. Một số mặt hàng đồ gỗ của Trung Quốc đang chịu áp thuế cao ở một số thị trường. Như vậy, các đối tác có thể sẽ hướng về hàng Việt Nam. Bên cạnh đó, các thị trường lớn khác, như: EU, Nhật Bản, Hàn Quốc vẫn tăng trưởng cao. Các cam kết cũng như quan hệ thương mại của Việt Nam với các quốc gia này vẫn đang tốt.

Năm 2019, Việt Nam có thể tăng sản lượng gỗ khai thác rừng trồng thêm 1,5 triệu m3 gỗ nguyên liệu. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đã và đang đầu tư vào những ngành hàng này tăng lên. Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư năm 2018, tới năm 2019 bắt đầu đi vào hoạt động khiến công suất, sản lượng tăng lên. “Theo thông tin từ các doanh nghiệp, đơn hàng tổng hợp lại trong năm 2019 có thể tăng lên khoảng 1,5 tỷ USD so với năm 2018. Bởi vậy, mục tiêu KNXK mà Bộ NN&PTNT đặt ra năm 2019 tăng thêm 1,2 tỷ USD là hoàn toàn khả thi”, Thứ trưởng Hà Công Tuấn khẳng định.

Không chỉ tập trung vào mục tiêu năm 2019 mà ngành lâm nghiệp còn có kế hoạch “dài hơi”, ông Phạm Văn Điển cho rằng: “Nếu bán cho một nước truyền thống có mức tăng trưởng 3 năm liền ở hai con số thì sẽ bị điều tra về việc bán phá giá và áp thuế chống bán phá giá (CBPG) lên tới 25%. Vì vậy, chúng tôi chủ động lập kế hoạch mở rộng thị trường cho sản phẩm đồ gỗ của Việt Nam để tránh bị áp thuế CBPG. Bộ NN&PTNT xác định tập trung ưu tiên xúc tiến thương mại đối với các thị trường tiềm năng, như: Australia, Nga, Canada, Ấn Độ, Châu Phi và Nam Mỹ.

NGUYỄN KIỂM / QDND.vn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *