Đề xuất hạn chế đầu tư nước ngoài mặt hàng gỗ dán, tủ bếp

Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam kiến nghị hạn chế tiếp nhận đầu tư nước ngoài vào sản xuất 2 mặt hàng gỗ dán và tủ bếp do có nguy cơ cao lẩn tránh xuất xứ.

Với tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ, nhiều mặt hàng chủ lực của ngành gỗ tăng trưởng vượt bậc, nhưng cũng đối diện nguy cơ bị gian lận xuất xứ Việt Nam để chuyển tải bất hợp pháp. Trong danh sách 10 mặt hàng có nguy cơ bị kiện phòng vệ thương mại từ nước ngoài, do Bộ Công Thương mới cập nhật, ngành gỗ có đến 4 mặt hàng.

Do vậy mới đây, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đã kiến nghị các Bộ, ngành, địa phương cần phê duyệt kỹ lưỡng chủ trương đầu tư trực tiếp nước ngoài trong ngành gỗ; hạn chế tiếp nhận đầu tư nước ngoài vào sản xuất 2 mặt hàng gỗ dán và tủ bếp do có nguy cơ cao lẩn tránh xuất xứ.

Công ty TNHH Trúc Mai Phú Thọ (chuyên sản xuất mặt hàng gỗ dán xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc) đã bị giảm sản lượng xuất khẩu đến 80% trong năm 2020, sau khi Hàn Quốc tiến hành điều tra sản phẩm gỗ dán Việt Nam, do nghi ngờ có gỗ dán từ quốc gia khác “đội lốt” xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu sang nước này.

“Một số dây chuyền phải ngừng sản xuất để chờ điều tra và khi có kết quả điều tra, chúng tôi vẫn bị áp chung một mức thuế mặc dù sản phẩm của chúng tôi sản xuất ra có nguyên liệu, lao động tại chỗ”, ông Tưởng Hữu Hiển, Giám đốc Công ty TNHH Trúc Mai Phú Thọ, cho biết.

Các mặt hàng gỗ dán, tủ bếp, sofa bọc nệm… đang có tốc độ đầu tư nước ngoài tăng cao. (Ảnh minh họa: NLĐ)
Các mặt hàng gỗ dán, tủ bếp, sofa bọc nệm… đang có tốc độ đầu tư nước ngoài tăng cao. (Ảnh minh họa: NLĐ)

Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, gỗ dán là mặt hàng cần hạn chế đầu tư trực tiếp nước ngoài do hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng không lớn, tuy nhiên lại thuộc nhóm rủi ro cao, vì doanh nghiệp nước ngoài có thể mượn xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu. Cùng với gỗ dán, các mặt hàng tủ bếp, sofa bọc nệm… cũng có nguy cơ cao bị lẩn tránh xuất xứ, nhưng lại đang có tốc độ đầu tư nước ngoài tăng cao.

“Tốc độ đầu tư FDI vào ngành gỗ đang rất cao. Dù chịu ảnh hưởng của đại dịch nhưng năm 2020, riêng nhóm sản xuất mặt hàng rủi ro có tốc độ tăng trưởng nhanh như tủ bếp, ghế sofa bọc nệm với 29 dự án có tổng vốn 250,32 triệu USD, chiếm 60,7% tổng giá trị đầu tư FDI vào ngành gỗ”, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm Sản Việt Nam Đỗ Xuân Lập cho hay.

Hiệp hội Gỗ và Lâm sản cũng kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng với ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ ưu tiên lựa chọn các dự án ngành gỗ có công nghệ cao, không khuyến khích đầu tư nước ngoài vào các mặt hàng gỗ đang bị một số thị trường áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại.

“Chúng tôi cho rằng vai trò của các bộ, ngành trong vấn đề này là rất quan trọng. Thứ nhất, Bộ kế hoạch và Đầu tư là nơi cấp phép cho các dự án FDI đầu tư cần quan tâm. Thứ hai là Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Với chức năng nhiệm vụ, các bộ sẽ phối hợp chặt chẽ, khuyến cáo, kiểm tra, kiểm soát. Một trong những vai trò quan trọng nhất là vai trò của các chính quyền địa phương cấp tỉnh, nơi tiếp nhận các doanh nghiệp chế biến gỗ”, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Bùi Chính Nghĩa nhận định.

Hiện nay, ngành gỗ đề xuất xem xét kỹ lưỡng khi tiếp nhận đầu tư nước ngoài 2 mặt hàng gỗ dán và tủ bếp, 2 mặt hàng chủ lực, đóng góp kim ngạch xuất khẩu lớn trong ngành.

Theo: VTV.vn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *